Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cũng là lúc diễn ra hàng loạt lễ hội trên cả nước, điển hình như lễ hội chùa Tam Chúc, chùa Hương, khai ấn đền Trần, hội chùa Bà Thiên Hậu, lễ hội vật Triều Khúc… Các lễ hội này đều thu hút sự tham gia đông đảo của người dân. Với số lượng người tham dự lễ hội đông đảo, tấp nập cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự, an toàn cho người dân.

Các lễ hội đầu xuân tụ tập đông người nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự. – Ảnh minh hoạ.
Các lễ hội tập trung đông người là điều kiện thuận lợi để nhóm đối tượng hoạt động móc túi, cướp giật… với nhiều thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng không chỉ thực hiện đơn lẻ mà còn hoạt động theo nhóm, có sự giàn cảnh, giúp sức chặt chẽ. Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam vừa bắt nhóm đối tượng móc túi, trộm cắp tài sản, tại chùa Tam Chúc, phường Ba Sao, thị xã Kim Bảng. Quá trình đấu tranh, cơ quan Công an bước đầu xác định nhóm đối tượng trên do Phạm Lương Tùng (SN 1985; trú tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cầm đầu; cùng 5 đối tượng khác đã thực hiện nhiều vụ trộm cắp.
Bên cạnh đó, các lễ hội còn tiềm ẩn nguy cơ va chạm, dẫn đến xô xát hoặc thậm chí đâm chém nhau. Điển hình như vụ việc xảy ra ở lễ hội chùa Đậu ngày 6/2 khiến một nam thanh niên tử vong do bị đâm. Vụ hỗn chiến, ẩu đả tại lễ hội xuân thuộc huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn ngày 9/2 khiến nhiều người bị thương…
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VP Luật Chính pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Mỗi dịp đầu năm mới, người Việt thường có thói quen tham gia lễ hội, du xuân. Tham gia lễ hội đầu xuân cũng là phong tục, tập quán lâu đời ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, đối với một số người, việc đi du xuân, tham gia lễ hội không những không mang lại may mắn, vui vẻ mà lại bị mất tài sản, mâu thuẫn đánh nhau, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội và gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của bản thân, nhiều người vì tham gia lễ hội mà dẫn đến ẩu đả, xô xát, tai nạn giao thông…

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường.
“Du xuân, chơi xuân, tham gia lễ hội là nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, mỗi dịp đầu năm mới khi nhiều địa phương khai hội, tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống thì lại xảy ra không ít các vụ việc cờ bạc, lừa đảo, trộm cắp, tai nạn giao thông, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống, quyền lợi của nhiều người. Để những hoạt động văn hóa dân gian, những dịp du xuân đầu năm mang lại những giá trị tích cực, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an ninh trật tự thì công tác đảm bảo an toàn cho các lễ hội, duy trì an ninh trật tự ở những nơi đông người trong dịp đầu năm là rất cần thiết”. – Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, lợi dụng những nơi tập trung đông người, chen lấn, xô đẩy, nhiều người mất cảnh giác nên các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi móc túi để lấy điện thoại, ví tiền và gây ra nhiều phiền hà cho người dân, tạo ra một môi trường lễ hội thiếu lành mạnh, không an toàn.
Bởi vậy người dân khi tham gia lễ hội, đặc biệt là khi đi bộ nơi đông người cần cảnh giác bảo quản tư trang, hành lý, khi phát hiện ra các đối tượng có biểu hiện nghi ngờ thực hiện hành vi móc túi thì cần báo ngay cho lực lượng chức năng để xử lý. Ban tổ chức, lực lượng bảo vệ các lễ hội cũng cần bố trí đầy đủ lực lượng cần thiết để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng lợi dụng hoạt động lễ hội để thực hiện các hành vi trộm cắp, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, không ít người tham gia lễ hội trong tình trạng có nồng độ cồn hoặc đi cùng bạn bè dễ bị kích động. Thêm vào đó là nhận thức về pháp luật, về xã hội không đầy đủ, có ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng sức khỏe của người khác nên khi xảy ra mâu thuẫn, nhiều người đã không chọn cách giải quyết phù hợp với đạo đức, chuẩn mực pháp luật mà lại thực hiện các hành vi đe dọa, đánh người, gây thương tích dẫn đến ẩu đả, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội ở các lễ hội. Bởi vậy khi tham gia lễ hội thì mọi người cần phải giữ bình tĩnh, biết tôn trọng người khác, tôn trọng sự an toàn nơi đông người, kiểm chế cảm xúc và hành vi có chuẩn mực để tránh xảy ra mâu thuẫn, xô xát ở lễ hội.
