Bộ Công Thương: Luật đã có, không còn lý do gì để trì hoãn các dự án năng lượng trọng điểm
09/01/2025 14:23
“Luật Điện lực đã chính thức cho phép Chính phủ quy định cơ chế đặc thù cho điện khí. Các kiến nghị của các chủ đầu tư từ lâu đã “trở thành hiện thực”, không còn lý do để trì hoãn. Nếu tiếp tục trì hoãn Bộ Công Thương sẽ kiến nghị lên Chính phủ thu hồi”
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị triển khai Chỉ thị 01/CT-TTg. – Ảnh: VGP/PT.
Ngày 7/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị triển khai Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 3/1/2025 về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 (Chỉ thị 01).
Nhiều dự án điện lớn chậm trễ do địa phương không phối hợp
Tại hội nghị, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, đơn vị đã thực hiện rà soát và cập nhật tình hình triển khai các dự án trọng điểm thuộc Quy hoạch Điện VIII. Hiện tại, hai dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 đang được triển khai với tiến độ dự kiến vận hành vào năm 2025; dự án Hiệp Phước theo kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành trong năm 2025 nhưng hiện chưa đạt yêu cầu.
Một số dự án như: Hải Lăng 1 đã hoàn tất công tác thẩm định và đang chờ phê duyệt đầu tư, dự án LNG Thái Bình đang được khẩn trương lập hồ sơ khả thi với mục tiêu hoàn thành trong quý II/2025…Các dự án BOT lớn như Sơn Mỹ 1 và 2 các chủ đầu tư đã trình phương án trình nghiên cứu tiền khả thi, tuy nhiên vẫn gặp khó khăn về cơ chế cần giải quyết.
Đối với các dự án khí điện sử dụng khí trong nước, với chuỗi lô B cơ bản bám sát tiến độ, dự kiến dòng khí đầu tiên sẽ được đưa vào vận hành từ năm 2026-2027, nhưng một số dự án như Nghi Sơn, Cà Ná và Quỳnh Lộc đang chậm tiến độ do vướng mắc về quy định pháp luật trong việc lựa chọn nhà đầu tư.
Về lưới điện, dự án đường dây 500 kV Lào Cai – Vĩnh Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và dự kiến sẽ khởi công vào năm 2025, hoàn thành trong năm 2026.
Trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu vận hành 6.000 MW trong giai đoạn 2026-2030, và Bộ Công Thương hiện đang xây dựng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, đơn vị khảo sát, cũng như xác định danh mục dự án trình Thủ tướng phê duyệt.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, hiện tiến độ một số dự án lớn đang bị chậm trễ, chủ yếu do vướng mắc về cơ chế, thay đổi quy định pháp luật và sự phối hợp chưa đồng bộ tại địa phương. Bộ Công Thương đang nỗ lực hoàn thiện các điều kiện pháp lý và hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo các dự án đáp ứng yêu cầu theo kế hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Cùng với việc Luật Điện lực (sửa đổi) đã được thông qua thì hàng loạt các nghị định mới của Chính phủ để bảo đảm quy hoạch Điện VIII và sắp tới là Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh sẽ được triển khai đúng luật, bảo đảm an ninh năng lượng. Điều này đòi hỏi các địa phương, các Bộ, ngành và đặc biệt là chủ đầu tư của các dự án nguồn và truyền tải phải rất nghiêm túc trong việc triển khai, thực hiện.
“Để đảm bảo tiến độ, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc họp với các địa phương, bộ ngành, và các chủ đầu tư có dự án đã được xác định nhưng đến bây giờ tiến độ vẫn chậm. Luật Điện lực đã chính thức cho phép Chính phủ quy định cơ chế đặc thù cho điện khí. Các kiến nghị của các chủ đầu tư từ lâu đã ‘trở thành hiện thực’. Không còn lý do để trì hoãn, nếu tiếp tục trì hoãn Bộ Công Thương sẽ kiến nghị lên Chính phủ thu hồi”, Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng, tinh thần là cả điện khí và điện gió ngoài khơi được xem xét cấp phép trong giai đoạn này đều đưa vào vận hành, hoà lưới quốc gia trước ngày 31/12/2030, nếu không sẽ mất quyền hưởng các cơ chế ưu đãi và đối mặt với chế tài xử phạt, xử lý trách nhiệm.
Địa phương cam kết vào cuộc
Tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, một số dự án điện trên địa bàn đang gặp khó khăn do vướng mắc trong khâu lựa chọn chủ đầu tư và thủ tục triển khai, nhiều dự án vẫn chưa được thực hiện quyết liệt, một phần do sự thiếu mặn mà của các nhà đầu tư trong bối cảnh khung giá điện chưa rõ ràng.
Đáng chú ý, dự án LNG Cà Ná – một trong những dự án trọng điểm của Ninh Thuận, tỉnh cho biết sẽ cố gắng hoàn thiện các thủ tục cần thiết trong năm 2025. Về nguồn lưới điện, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương đôn đốc các đơn vị thi công sớm các dự án.
Về điện hạt nhân, Ninh Thuận đã thực hiện quyết liệt công tác tuyên truyền, triển khai nội dung về mặt bằng, người dân hai vùng dự án đã có sự đồng tình rất cao. Địa phương cũng đề nghị EVN đẩy nhanh các dự án nguồn lưới điện tại địa bàn cùng với đó tỉnh cũng kiến nghị có điều chỉnh quy định với điện mặt trời tự sản tự tiêu,…
Đại diện UBND tỉnh Lào Cai cho biết tỉnh này đã thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc triển khai dự án đường dây 500kV qua địa bàn tỉnh. Tổ công tác này đảm nhận nhiệm vụ giải quyết các thủ tục về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng để đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về các dự án trọng điểm.
Theo báo cáo, dự án đường dây 500kV trên địa bàn tỉnh Lào Cai có tổng chiều dài 49,47 km, đi qua địa bàn 9 xã thuộc 2 huyện, ảnh hưởng đến hơn 50 hộ dân phải tái định cư. Hiện các điều kiện về giải phóng mặt bằng đã xong. Toàn bộ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự kiến sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2025.
UBND tỉnh Lào Cai kiến nghị nhà đầu tư sớm chuyển kinh phí bồi thường trước ngày 14/1/2025 để các địa phương có thể chi trả kịp thời cho người dân. Đồng thời, nhà đầu tư cần nhanh chóng bàn giao mốc giới trên thực địa để tạo điều kiện cho việc xác định diện tích đất, cây trồng, tài sản trong hành lang tuyến, từ đó đẩy nhanh tiến độ đền bù và giải phóng mặt bằng.
Về phía các chủ đầu tư, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết các dự án đang triển khai như cụm dự án Nhơn Trạch 3 và 4 đang được thực hiện đúng tiến độ, phù hợp với các quy định về tài chính và hướng dẫn kỹ thuật. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 cũng đang được khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết, giải quyết vấn đề tồn đọng với các nhà thầu thi công để sớm hoàn thiện.
Đối với các dự án dài hơi hơn như chuỗi khí Cá Voi Xanh, PVN đang tích cực làm việc với các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ. Trong trường hợp nhà đầu tư thiếu quyết tâm, PVN sẽ tìm kiếm các giải pháp thay thế. Song song đó, PVN cũng đang nỗ lực xúc tiến các dự án điện gió ngoài khơi phục vụ cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.
Đại diện Công ty Cổ phần Điện khí LNG Thái Bình – chủ đầu tư dự án điện khí LNG Thái Bình, ông Nishimura, khẳng định dự án đang được triển khai tích cực với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ tỉnh Thái Bình và các cơ quan liên quan. Công ty đã thành lập pháp nhân dự án và đang trong giai đoạn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến trình duyệt vào quý II năm 2025, cùng với việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và xã hội (EIA) theo tiêu chuẩn quốc tế. Dự kiến, dự án sẽ khởi công xây dựng vào quý IV/2025 và tiến hành đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào năm 2026.
Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 là dự án trọng điểm quốc gia do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power) triển khai.
Tuyệt đối không để thiếu điện
Để chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, đối với các dự án nguồn điện, dự án Nhơn Trạch 3, 4 đã xác định phải đưa vào vận hành quý I/2025, đề nghị chủ đầu tư quyết liệt hoàn tất các thủ tục cần thiết phấn đấu hòa lưới điện, phát điện thương mại trong quý I, muộn nhất quý II/2025, bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng.
Đối với các dự án điện khí đã có chủ đầu tư bao gồm: Hiệp Phước giai đoạn 1, Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Trạch 2, Hải Lăng giai đoạn 1, BOT Sơn Mỹ I, BOT Sơn Mỹ II, Bạc Liêu, Long An, Ô Môn 1,2,3,4, Bộ trưởng đề nghị các chủ đầu tư phải rất khẩn trương hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành đưa vào vận hành trước năm 2030.
Đối với các dự án chưa có chủ đầu tư tại: Thanh Hóa, Nghệ An và Ninh Thuận, Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải lựa chọn được nhà đầu tư chậm nhất quý I/2025. Trong nhóm dự án này, Bộ trưởng đề nghị các địa phương tách các dự án ra không nên gộp dự án nhà máy với dự án về hạ tầng khí (kho, bãi, cảng) bởi quy hoạch kho bãi cảng chuyên dụng cho khí đã được xác định trong quy hoạch hạ tầng xăng dầu khí đốt quốc gia.
Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cần căn cứ quy định pháp luật khẩn trương ký hợp đồng mua bán khí với chủ đầu tư dự án trong chuỗi khí Lô B và phấn đấu hoàn thành các dự án điện khí Ô Môn 3,4 với vai trò là chủ đầu tư.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các dự án nguồn điện đang triển khai sớm so với kế hoạch từ 6 tháng trở lên.
“Dự án nào cũng phải sớm so với kế hoạch, đặc biệt dự án Quảng Trạch 1 trong năm 2027, Hòa Bình mở rộng trong 2025, Trị An mở rộng và Thủy điện tích năng Bắc Ái được khởi động trong quý I/2025.
Các dự án nguồn khác mà EVN đang triển khai, có cả dự án liên danh với nhà đầu tư Thái Lan, nếu như nhà đầu tư Thái lan và Malaysia không thực hiện được thì EVN cũng rà soát lại năng lực của mình và đề xuất trong tháng 1/2025. Nếu làm được thì Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ xem xét giao cho EVN đầu tư nhà máy này trong trường hợp đặc biệt. Đây là dự án nguồn đặc biệt quan trọng thì chúng ta sẽ giao trong trường hợp đặc biệt của Luật Điện lực, có hiệu lực từ ngày 1/2/2025″, Bộ trưởng nói.
Các tập đoàn lớn EVN, PVN, TKV cần rà soát chỉ đạo các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý của tập đoàn để làm tốt công tác chuẩn bị sản xuất, bảo đảm hiệu quả vận hành có thể huy động tối đa công suất phát điện trong tháng cao điểm mùa khô 2025 theo kế hoạch cung ứng điện, điều độ cung cấp than, khí được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt vào tháng 11/2024 và kế hoạch điều chỉnh vào tháng 12/2024.
Về các dự án truyền tải, Bộ trưởng đề nghị EVN nghiên cứu đầu tư xây dựng các dự án truyền tải theo Quy hoạch điện VIII, tăng cường liên kết giữa các khu vực, tăng khả năng vận hành an toàn, ổn định cho hệ thống điện quốc gia, sớm hoàn thành các dự án truyền tải phục vụ giải tỏa công suất của các nhà máy như: Nhơn Trạch 3,4. Khẩn trương triển khai thi công đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên để đưa vào vận hành trong năm 2025.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương triển khai tích cực để thu hút đầu tư vào hệ thống truyền tải điện theo phân cấp (dưới 110kV) tạo thuận lợi để EVN cũng như các chủ đầu tư triển khai các dự án truyền tải liên miền theo Quy hoạch điện VIII được duyệt.
EVN phải tập trung thi công hoàn thành đường dây 500kV Mosoon – Thạnh Mỹ vào quý 1/2025, hoàn thành muộn nhất vào quý 2/2025. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư dự án đường dây truyền tải các công trình thủy điện và nhiệt điện từ Lào bắt đầu tư năm 2025. Đồng thời, EVN khẩn trương đề xuất chủ trương đầu tư các dự án truyền tải theo Quy hoạch điện VIII, đặc biệt các dự án truyền tải để giải tỏa công suất các nhà máy điện khí cũng như là các dự án điện gió ngoài khơi sẽ được xác định địa điểm trong tương lai gần.
Tại hội nghị, Bộ trưởng cũng đề nghị các nhà đầu tư quan tâm đầu tư về hệ thống truyền tải. Theo Bộ trưởng, nguồn điện có biểu giá phù hợp rồi, truyền tải cũng có biểu giá đủ để chúng ta cân đối, do vậy đề nghị nhà đầu tư tính toán theo phương án này để triển khai cho đồng bộ.
Quyết liệt triển khai các bước để cần thiết rà soát bổ sung trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, theo hướng phát huy tối đa điện gió kể cả điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi để phục vụ nhu cầu trong nước.
Sớm ban hành khung giá cho điện gió ngoài khơi
Riêng đối với các dự án điện gió ngoài khơi, tại hội nghị các địa phương và doanh nghiệp không có đề xuất cụ thể tuy nhiên Bộ trưởng đề nghị Cục Điện lực Năng lượng tái tạo tập hợp nhu cầu mà các địa phương đề xuất trước ngày 20/1/2025 để Bộ thẩm định sơ bộ trình Chính phủ cho phép triển khai 6.000 MW giai đoạn 1; quyết liệt triển khai các bước để cần thiết rà soát bổ sung trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, theo hướng phát huy tối đa điện gió kể cả điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi để phục vụ nhu cầu trong nước (để thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp, thực hiện cơ chế điều chế hydrogen, làm nguyên liệu đầu vào cho các dự án đốt kèm điện than cũng như phát điện khí hydrogen trong tương lai) và nhu cầu xuất khẩu.
Bộ trưởng giao EVN, Cục Điều tiết điện lực khẩn trương hoàn tất các thủ tục để Bộ xem xét ban hành khung giá đối với điện gió ngoài khơi cũng như khung giá của các công đoạn quy trình cần thiết giúp cho nhà đầu tư có điều kiện cần thiết phê duyệt các dự án đầu tư cũng như triển khai các dự án để đảm bảo yên tâm trong quá trình thực hiện.
“Ngày 28/2/2025 sẽ có quy hoạch điện VIII điều chỉnh và ngay sau đó Bộ Công Thương sẽ xây dựng và công bố kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh điều này mang lại dư địa rất lớn cho các nhà đầu tư. Bộ cũng sẽ chủ trì và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp đỡ các nhà đầu tư hoàn tất thủ tục tiến hành khảo sát trên biển, cả khảo sát về gió và đáy biển theo quy định”, Bộ trưởng thông tin.
Dự kiến thời gian khảo sát tối thiểu mất 12 -24 tháng, do đó, Bộ trưởng đề nghị Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tổng hợp và thẩm định, báo cáo Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ trong tháng 1/2025, nếu được Chính phủ đồng ý thì giao ngay cho các nhà đầu tư triển khai trong tháng 2/2025 để kịp tiến độ khảo sát.…
“Thời hạn sau này khi trình Chính phủ cơ chế cho các nhà đầu tư được hưởng cơ chế giá theo Nghị định ban hành thì phải nghiên cứu, mở rộng đến năm 2032 hoặc 2034 do điện gió ngoài khơi thời mất nhiều thời gian khảo sát”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Cục Điện lực, Cục Điều tiết Điện lực phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Điện lực để trình Chính phủ và trình Bộ ban hành áp dụng từ 1/2/2025. Cục Điện lực phối hợp với Viện Năng lượng khẩn trương hoàn thành rà soát trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VIII trước 28/2/2025.