Học giả Trung Quốc: 2024 là một năm “rất phi thường” của Việt Nam
24/12/2024 14:33
Nhà báo lão thành của Tân Hoa xã, Lăng Đức Quyền khẳng định, năm 2024 là một năm “rất phi thường” đối với Việt Nam khi có rất nhiều sự kiện quan trọng.
Hơn 18 năm học tập và làm việc tại Việt Nam, ông Lăng Đức Quyền, nhà báo lão thành của Tân Hoa xã, tự nhận mình là “người bạn cũ” của Việt Nam và “học trò nhỏ” của Bác Hồ. Ông từng có mặt ở Việt Nam vào những thời khắc quan trọng, như thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ác liệt, sau khi Việt Nam tiến hành đổi mới và trước thời điểm hai nước bình thường hóa quan hệ.
Trao đổi với phóng viên VOV tại Bắc Kinh về ấn tượng Việt Nam, ông khẳng định, năm 2024 là một năm “rất phi thường” đối với mảnh đất mà ông đã gắn bó hàng chục năm qua.
PV: Là một nhà báo kỳ cựu của Trung Quốc và học giả nghiên cứu về Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về Việt Nam trong năm 2024? Điều gì để lại trong ông ấn tượng sâu đậm nhất?
Ông Lăng Đức Quyền: Năm nay là tròn 60 năm tôi gắn bó với Việt Nam. Là một người bạn cũ của Việt Nam và học trò nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù đã nghỉ hưu 18 năm nhưng tôi vẫn thường xuyên quan tâm đến những thay đổi ở Việt Nam và sự phát triển của quan hệ Trung – Việt.
Có thể nói, năm 2024 là “một năm rất phi thường” của Việt Nam.
Trong năm qua có rất nhiều sự kiện quan trọng. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là Việt Nam đã thực hiện chuyển giao thế hệ lãnh đạo cao nhất một cách suôn sẻ, bảo đảm ổn định chính trị, yên ổn xã hội và tăng trưởng kinh tế hơn 7%.
Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, Tổng Bí thư Tô Lâm đã kế nhiệm và cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam mạnh mẽ quyết liệt trong mọi mặt quản lý Đảng và quản lý đất nước, kế thừa quá khứ, tiếp nối tương lai, nỗ lực vươn lên, chăm lo việc nước và đạt được nhiều thành tựu nổi bật đáng mừng trong cả công tác đối nội và đối ngoại.
Nhà báo kỳ cựu của Tân Hoa xã Lăng Đức Quyền.
Ngoài ra, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm Việt Nam vào cuối năm 2023; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Trung Quốc vào tháng 8/2024; Lãnh đạo cấp cao hai bên đã đạt được hàng loạt đồng thuận quan trọng, dẫn dắt quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ở mức độ cao.
Quan hệ đối tác chiến lược hợp tác toàn diện Trung Quốc – Việt Nam và Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc – Việt Nam có ý nghĩa chiến lược được tăng cường hơn. Điều này cũng để lại dấu ấn sâu sắc với tôi trong năm 2024.
PV: Có thể nói, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Vậy những kết quả này đóng vai trò và ý nghĩa như thế nào đối với “Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” Việt Nam, cũng như việc thực hiện hai mục tiêu 100 năm, thưa ông?
Ông Lăng Đức Quyền: Tôi cho rằng, kỷ nguyên mới đánh dấu giai đoạn tiếp theo trong lịch sử cận hiện đại của Việt Nam. Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Năm 1975, Việt Nam giành thắng lợi sau hai cuộc kháng chiến và thống nhất đất nước. Sau đó, Việt Nam bước vào giai đoạn xây dựng Chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới năm 1986. Năm 2025, Việt Nam kỷ niệm 80 năm thành lập nước. Đây đều là những điểm khởi đầu của lịch sử và điểm khởi đầu của một thời đại.
Cá nhân tôi đã trải qua những năm kháng chiến chống Mỹ, cũng từng chứng kiến tình cảnh khó khăn trong thời kỳ đầu đổi mới những năm 1980. Tôi cảm nhận sâu sắc về những thắng lợi vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến và sự nghiệp thống nhất đất nước cũng như những thành quả to lớn trong 40 năm đổi mới kể từ Đại hội VI, đây thực sự là những thay đổi “long trời lở đất” mang tính lịch sử của Việt Nam.
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra hai mục tiêu tầm nhìn “100 năm” và Đại hội XIV sẽ chính thức mở ra “kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc” Việt Nam.
Sau thời gian dài bị thuộc địa và hàng chục năm bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam từng là một trong những nước nghèo nàn lạc hậu nhất thế giới. Nhưng chỉ trong vài thập kỷ, Việt Nam đã phát triển thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất.
Từ năm 1989 đến năm 2023, GDP bình quân đầu người tăng 40 lần. Trong 20 năm, hơn 40 triệu người đã thoát nghèo. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu giảm nghèo trong Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng giảm nghèo toàn cầu.
Thành tựu nổi bật đầu tiên sau khi Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam mở ra công cuộc đổi mới là thoát khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội nghiêm trọng và đi theo con đường phát triển đúng đắn. Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp năm 1988 đã đưa Việt Nam từ một “nước thiếu lương thực” trở thành một trong những nước xuất khẩu lương thực chính trên thế giới, giải quyết nhanh chóng vấn đề cơm ăn áo mặc.
Bước sang thế kỷ 21, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì ở mức cao. Giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân hàng năm đạt 5,7 – 5,9%, dẫn đầu khu vực và thế giới; quy mô kinh tế tăng 0,45 lần, lọt vào nhóm các nước có thu nhập trung bình. Dự kiến, GDP của Việt Nam sẽ đạt 500 tỷ USD vào năm 2025, thu nhập bình quân đầu người cũng sẽ tăng đáng kể từ 3.400 USD lên khoảng 4.650 USD. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao. Đời sống của người dân Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, vị thế và ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng cao.
Năm tới đánh dấu kỷ niệm 80 năm thành lập nước Việt Nam. Một điểm nút lịch sử, một cơ hội lịch sử đang mở ra. Những thành tựu vĩ đại đang đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình, thực hiện giấc mơ của dân tộc Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Để đạt được mục tiêu này, Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam mới đây đã đạt được đồng thuận cao và đề ra tư duy mới, quyết tâm chính trị, triển khai chiến lược và đột phá, thực hiện cho được các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII, hướng tới việc tổ chức thành công Đại hội XIV.
Tôi tin rằng, dưới sự lãnh đạo kiên cường của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự nghiệp đổi mới của Việt Nam sẽ đạt được những đột phá mới, bước vào giai đoạn mới phát triển mạnh mẽ, bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu 100 năm thành lập Đảng, đặt nền tảng vững chắc để hiện thực hóa mục tiêu 100 năm thành lập nước, từ đó đạt được di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
PV: Theo ông, Việt Nam cần tập trung giải quyết những vấn đề gì trên con đường tiến vào kỷ nguyên mới và Trung Quốc có những bài học kinh nghiệm nào có thể chia sẻ với Việt Nam?
Ông Lăng Đức Quyền: Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra các quan điểm và giải pháp bước vào kỷ nguyên mới. Vừa qua, nhiều cuộc họp quan trọng của Đảng, Chính phủ và quân đội Việt Nam đã tổng kết những thành tựu và hạn chế trong năm qua, đồng thời đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cho năm tới.
Năm 2025 lại là một năm vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Không chỉ có nhiều ngày kỷ niệm lớn, đây còn là năm tổ chức đại hội đảng các cấp và tiếp đó sẽ tổ chức Đại hội XIV vào đầu năm 2026.
Tôi cho rằng, văn kiện Đại hội XIV sẽ là phiên bản nâng cấp, tiếp nối quá khứ, hướng tới tương lai, tiên phong sáng tạo của văn kiện Đại hội XIII, kiên định kiên trì quan điểm, phương hướng, đường lối và mục tiêu lãnh đạo cốt lõi, đồng thời vạch ra kế hoạch phát triển trong thời kỳ mới và làm rõ những vấn đề, giải pháp cụ thể mà Việt Nam cần tập trung giải quyết trên chặng đường mới. Tôi rất trông chờ các văn kiện của Đại hội XIV.
Ông Lăng Đức Quyền trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV tại Bắc Kinh.
Việc không ngừng trao đổi kinh nghiệm quản lý Đảng, quản lý đất nước và tìm tòi con đường phát triển chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện của mỗi nước là điểm đặc sắc và truyền thống quý báu trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam.
Trong giai đoạn phát triển mới và tình hình mới, đi sâu trao đổi, học hỏi lẫn nhau ngày càng trở nên quan trọng hơn và sẽ trở thành nội dung cần thiết trong xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược.
Tôi vui mừng khi thấy năm 2024 hai Đảng, hai nước đã có những trao đổi, tương tác thường xuyên, sâu rộng và thực chất.
Tôi không cho rằng mô hình của Trung Quốc có thể áp dụng được ở quốc gia nào và chỉ có Trung Quốc chia sẻ các kinh nghiệm với Việt Nam, mà hai bên hoàn toàn có thể trao đổi, học hỏi lẫn nhau.
Tôi tràn đầy niềm tin vào triển vọng sự nghiệp đổi mới của Việt Nam, giống như tôi tin tưởng vào sự nghiệp hiện đại hóa của Trung Quốc. Chúng ta nhất định sẽ vượt qua được những khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi to lớn hơn.
PV: Vậy ông nhìn nhận như thế nào về công tác tinh gọn bộ máy hiện nay ở Việt Nam?
Ông Lăng Đức Quyền: Tinh gọn bộ máy có thể là nhu cầu chung của nhiều quốc gia, thậm chí là các tổ chức quốc tế trên thế giới. Có nhiều nguyên nhân phức tạp dẫn đến việc thiết lập, mở rộng, tinh gọn bộ máy và sự lặp đi lặp lại của việc làm này ở các quốc gia.
Cải cách bộ máy ở Việt Nam lần này rất mạnh mẽ và bao trùm nhiều lĩnh vực. Mục tiêu gói gọn trong ba chữ: “tinh, gọn, mạnh”. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam nhấn mạnh việc cải cách bộ máy là một “cuộc cách mạng” và nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, tính cấp bách và những khó khăn của việc làm này.
Tôi kỳ vọng cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang diễn ra mạnh mẽ quyết liệt lần này của Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đề ra và phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu chung của đảng và nhà nước.
Trung Quốc từng thực hiện nhiều đợt cải cách bộ máy đảng và nhà nước. Quyết định của Hội nghị Trung ương 3 khóa XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ rõ: “Đi sâu cải cách bộ máy đảng và nhà nước là một cuộc cải cách sâu sắc nhằm thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia”.
Kết luận này cho thấy vai trò quan trọng của việc đi sâu cải cách bộ máy đảng và nhà nước trong việc thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia. Nó cũng cho thấy phương hướng đúng đắn mà việc đi sâu cải cách bộ máy đảng và nhà nước phải nắm bắt.
Thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia là một công trình phức tạp và có hệ thống, phải hướng tới thời đại mới, quản trị đất nước và xã hội một cách hiệu quả, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, thực hiện tư tưởng phát triển lấy con người làm trung tâm, kiên trì và tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Tất cả những điều này đều liên quan chặt chẽ đến việc thiết lập bộ máy của Đảng và nhà nước, cơ cấu chức năng, khả năng thực hiện nhiệm vụ, đều cần tìm được câu trả lời thông qua việc đi sâu cải cách bộ máy Đảng và nhà nước.