Ngân hàng Thế giới: Kinh tế toàn cầu ổn định, Việt Nam tăng trưởng vượt trội
20/12/2024 15:47
Theo WB, trong năm 2024, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á-Thái Bình Dương nhờ sự phục hồi xuất khẩu và nhu cầu nội địa.
Chế biến thủy sản xuất khẩu. – Nguồn: TTXVN. |
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với những bất ổn địa chính trị, lạm phát và thiên tai, Việt Nam vẫn vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á-Thái Bình Dương trong năm 2024.
Ông Andrea Coppola – chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Lào và Campuchia – trong cuộc phỏng vấn độc quyền với phóng viên TTXVN đã nhấn mạnh sự ổn định của môi trường kinh doanh cùng xu hướng cải cách liên tục là chìa khóa duy trì sức hút đầu tư và tăng trưởng của Việt Nam.
Dù vậy, năm 2025 cũng đặt ra một số thách thức đòi hỏi Việt Nam cần có những đột phá trong cải cách để duy trì đà tăng trưởng bền vững và hướng đến mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.
Kinh tế toàn cầu đã ổn định trở lại
– Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 và triển vọng tăng trưởng của năm 2025? Theo ông, đâu là những điểm sáng cũng như động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu trong năm nay?
Ông Andrea Coppola: Tin vui là lần đầu tiên sau nhiều năm đối mặt với các cú sốc tiêu cực, kinh tế toàn cầu đã ổn định trở lại vào năm 2024 với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 2,7%.
Trong bối cảnh chi phí tài chính tăng cao cùng những bất ổn liên quan đến các diễn biến địa chính trị, tăng trưởng kinh tế năm 2024 được củng cố bởi ba yếu tố chính:
Yếu tố đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là lạm phát đang dần hạ nhiệt ở nhiều quốc gia nhờ giá hàng hóa, đặc biệt là giá năng lượng và lương thực, giảm. Ngoài ra, tác động trễ của làn sóng chính sách thắt chặt tiền tệ từ năm 2023 cũng đã phát huy hiệu quả. Hiện nay, lạm phát đã tiến gần hơn tới mục tiêu của nhiều quốc gia, làm thay đổi hoàn toàn bức tranh kinh tế.
Yếu tố thứ hai, trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã chuyển sang lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng, giảm lãi suất nhằm thúc đẩy nhu cầu và hoạt động kinh tế.
Yếu tố thứ ba, nhu cầu toàn cầu tăng mạnh, giúp củng cố thương mại và đầu tư, vốn là động lực quan trọng hỗ trợ hoạt động kinh tế toàn cầu.
Ông Andrea Coppola. – Nguồn: WB. |
Nhìn chung, triển vọng kinh tế năm 2025 là tích cực, mặc dù hai nền kinh tế đầu tàu là Mỹ và Trung Quốc có thể chững lại, nhưng điều này sẽ được bù đắp bằng xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ ở phần còn lại của thế giới. Trên thực tế, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2025 sẽ diễn ra đồng đều với sự phục hồi được ghi nhận ở phần lớn các quốc gia trên thế giới.
– Một số định chế tài chính toàn cầu mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Âu và cảnh báo chính sách thuế quan đáp trả lẫn nhau có thể làm suy yếu triển vọng kinh tế của châu Á (Trung Quốc và Đông Nam Á) trong năm 2024 và 2025. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Ông Andrea Coppola: Tôi nghĩ rằng tăng trưởng kinh tế ở châu Âu và hội nhập thương mại là rất quan trọng đối với các nền kinh tế định hướng xuất khẩu tại khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, bối cảnh tăng trưởng yếu hơn ở châu Âu và các biện pháp hạn chế thương mại có thể có tác động tiêu cực đến các nước định hướng xuất khẩu.
Tuy nhiên mặc dù hoạt động kinh tế ở châu Âu vẫn còn yếu, nhưng các chỉ số đã được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã tăng từ 0,4% trong năm 2023 lên 0,8% trong năm 2024. Trong năm tới, chúng tôi kỳ vọng chỉ số này tăng lên mức từ 1-1,5%.
Việt Nam tăng trưởng vượt trội
– Năm 2024, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm căng thẳng địa chính trị, xu hướng tăng lãi suất ở các nền kinh tế lớn, tăng trưởng chậm lại của các đối tác thương mại quan trọng và tác động từ thiên tai. Trong bối cảnh đó, ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế của Việt Nam trong năm nay?
Ông Andrea Coppola: Tôi cho rằng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã đạt được những kết quả rất tích cực. Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam phải đối mặt với bất định gia tăng do căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn chứng tỏ được sự kiên cường trước các nghịch cảnh.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và thiên tai cũng đặt ra những thách thức lớn. Chúng ta đã chứng kiến những tác động từ cơn bão Yagi (cơn bão số 3) vừa qua, và đó thực sự là những thử thách đáng kể đối với đất nước. Tuy nhiên, bất chấp tất cả, Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu ấn tượng.
Quốc gia này không chỉ duy trì được đà phát triển kinh tế mà còn tiếp tục xu hướng tăng trưởng dài hạn. Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh rằng trong năm 2024, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á-Thái Bình Dương nhờ sự phục hồi xuất khẩu và nhu cầu nội địa. Đây là một thành tựu đáng khen ngợi, và tôi tin rằng xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục trong năm 2025.
Sản xuất linh kiện. – Nguồn: TTXVN. |